Ung thư nói chung và ung
thư khoang miệng nói riêng từ lâu là mối quan tâm của nhiều người. Quan niệm
sai lầm như “ung thư mà động dao kéo là sẽ chết nhanh hơn” hoặc tìm đến các
thầy lang để đắp lá, dán cao, uống thuốc nam... vẫn còn tồn tại. Hậu quả, người
bệnh đến viện đã ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị trở nên khó khăn, tốn
kém mà hiệu quả không cao. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ
với bạn đọc những hiểu biết cụ thể về căn bệnh này.
Khoang miệng bao gồm môi
trên, môi dưới, sàn miệng, phần lưỡi di động (hay gọi là phần 2/3 trước của
lưỡi), niêm mạc má, lợi hàm trên, lợi hàm dưới và vòm khẩu cái.
Loại ung thư hay gặp nhất
ở khoang miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy (95%) và thường xuất hiện ở niêm
mạc miệng. Ung thư biểu mô tế bào vảy được chia làm 3 loại: biệt hóa cao, biệt
hóa vừa và kém biệt hóa. Ngoài ra còn có các loại ung thư khác như ung thư biểu
mô tuyến nang, ung thư tổ chức liên kết và ung thư hắc tố bào.
Hình ảnh ung thư bờ lưỡi và ung thư môi dưới. |
Nguyên nhân gây bệnh
Hút thuốc lá và uống rượu
là những nguyên nhân chính gây ra các ung thư đầu cổ trong đó có ung thư khoang
miệng. Thói quen ăn trầu thuốc, răng lệch lạc, vệ sinh răng miệng kém... có thể
gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho
ung thư phát triển. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus
Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu
Fanconi... cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Nhận biết bệnh bằng cách
nào?
Có nhiều triệu chứng có
thể gợi ý ung thư khoang miệng. Trong số đó, triệu chứng sớm và thường gặp nhất
là những vết loét không liền ở lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má. Các vết loét
này có thể đau, chảy máu nhưng trong một vài trường hợp có thể không gây khó
chịu gì. Khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như xuất
hiện đau hoặc đau tăng lên, nuốt đau, đau tai, thay đổi giọng nói, không phối
hợp được động tác nuốt hoặc xuất hiện hạch cổ. Điều quan trọng mà các bạn cần
nhớ là một vết loét ở trong miệng dù cho có liên quan với chấn thương hay bệnh
viêm loét miệng nếu sau 3 tuần không khỏi. Bạn nên đến khám tại cơ sở y tế
chuyên khoa về ung bướu để bác sĩ đánh giá tổn thương đó có phải là ung thư hay
không.
Việc đánh giá tổn thương
dựa vào nhiều yếu tố như thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh. Nếu cần, bác sĩ
có thể sẽ yêu cầu chụp phim cắt lớp vi tính (CT Scanner) hoặc phim cộng hưởng
từ (MRI) vùng đầu cổ hoặc lồng ngực để đánh giá sự lan tràn của bệnh tại vùng
cũng như xem bệnh đã di căn đến phổi chưa. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ
tiến hành sinh thiết tổn thương. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nội soi
vùng họng, thanh quản, thực quản, khí quản để tìm tổn thương vì có đến 5-15% bệnh
nhân ung thư khoang miệng, họng hoặc thanh quản có thêm một ung thư thứ 2 tại
vị trí khác ở vùng đầu cổ.
Sau khi đã được khám và
làm các xét nghiệm kể trên, bệnh nhân sẽ được đánh giá giai đoạn bệnh. Đây là
phương pháp cho phép xác định chính xác sự lan tràn của khối u cũng như phân
loại cụ thể khối u đó. Điều này không chỉ giúp cho việc lựa chọn phương pháp
điều trị mà còn giúp dự đoán được khả năng thành công của phương pháp đó.
Người ta phân bệnh thành 4
giai đoạn: I, II, III và IV. Giai đoạn I và II được gọi là giai đoạn sớm trong
khi giai đoạn III và IV bị coi là giai đoạn muộn. Tùy theo giai đoạn của khối u
mà bệnh nhân sẽ được điều trị các biện pháp thích hợp.
Phương pháp điều trị benh ungthu khoang miệng: có 3 phương pháp là phẫu thuật, tia xạ và hóa chất. Nhìn
chung, với bệnh nhân ung thư giai đoạn I và II chỉ cần 1 phương pháp điều trị
phẫu thuật hoặc tia xạ là có thể thành công. Với giai đoạn III và IV có thể cần
phải kết hợp giữa các phương pháp điều trị phẫu thuật, tia xạ, hóa chất hoặc
thậm chí cả 3 phương pháp cùng một lúc.
Những lưu ý sau điều trị
Sau khi điều trị ung thư
khoang miệng bằng phẫu thuật, tia xạ, hóa chất hoặc phối hợp các phương pháp
đó, một vài chức năng quan trọng của khoang miệng có thể bị ảnh hưởng, thí dụ
khô miệng, nói khó, khó nuốt... Vì những lý do này, việc phục hồi chức năng
cũng như điều trị giảm đau đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất
lượng sống của bệnh nhân ung thư sau điều trị ở mức chấp nhận được.
Điều quan trọng mà bệnh
nhân cần nhớ là phải thực hiện tái khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Điều
này giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh tái phát hoặc di căn để có thể điều trị
kịp thời.
Mặc dù ung thư đầu cổ chỉ
chiếm 5% tổng số các loại ung thư trên cơ thể nhưng 30% trong số đó là ung thư
khoang miệng. Theo thống kê của Hội ung thư đầu cổ Hoa Kỳ, có 22.000 ca ung thư
khoang miệng mới mắc hàng năm (nếu không kể ung thư môi) và khoảng 6.000 –
7.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Tỷ lệ sống thêm 5 năm của ung thư khoang
miệng là 70% đối với bệnh nhân giai đoạn I và II. Tỷ lệ này giảm xuống còn 50%
với bệnh nhân giai đoạn III và chỉ còn 35% đối với bệnh nhân giai đoạn IV.
ThS. Hàn Thị Vân Thanh
(Phó trưởng khoa Ngoại đầu
cổ - BV K)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét