Điều dưỡng Bệnh viện FV và những đêm trắng

Một đêm tại khu nội trú nhi, lầu 4, đồng hồ lúc này đã điểm sang số 9. Ba cô điều dưỡng đang xem hồ sơ bệnh án, đến từng phòng đo nhiệt độ, nhắc nhở bệnh nhi uống thuốc hoặc chích thuốc cho các bé… Bỗng tiếng chuông gọi reo hối hả từ phòng 443A. Ngay sau đó, chị Kim Thanh có mặt, lập tức kiểm tra nhiệt độ và đo huyết áp, nhịp tim cho bệnh nhi. Bé trai 10 tháng nhập viện ban chiều lên cơn sốt nhẹ. “Rối quá, tôi không biết làm gì, chỉ còn cách cầu cứu mấy cô”, người mẹ trẻ lo lắng nói.

Tiếng chuông gọi điều dưỡng còn vang lên nhiều lần ở 2 dãy phòng bệnh, thưa dần khi trời gần về sáng. Một bầu không khí căng thẳng đến từng tích tắc với người điều dưỡng, hoàn toàn đối lập với thế giới bên ngoài bệnh viện – giấc ngủ say yên tĩnh của mọi người. Đó thực sự là những “đêm trắng” không ngủ để đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.

Ca trực đêm kết thúc vào 7 giờ sáng hôm sau, khi các điều dưỡng đã đi thăm bệnh lần cuối, bàn giao hồ sơ và lưu ý các trường hợp đặc biệt với đồng nghiệp của ca sáng.

Tận tình như người thân
Chị Minh Lý, điều dưỡng trưởng khoa săn sóc đặc biệt, vẫn còn nhớ như in ca bệnh từng làm chị và đồng nghiệp một phen “đứng tim”: “Bệnh nhân nam 42 tuổi, được chuyển vào khoa chúng tôi lúc khuya, trong tình trạng hôn mê, hạ đường huyết vì nghiện rượu nặng. Hôm sau, khi bác sĩ và điều dưỡng vừa bước ra cửa sau khi thăm bệnh, bệnh nhân bất ngờ giật hết dây dịch truyền, dây nối các thiết bị theo dõi, tay đầm đìa máu… Lập tức cả êkíp chúng tôi tập trung lại xử lý cầm máu, rồi vừa năn nỉ, vừa nhẹ nhàng thuyết phục, tìm cách nói chuyện để được tiếp tục điều trị cho ông”.

Chuyện bệnh nhân không hợp tác không phải là trường hợp hiếm và đó là cả một áp lực lớn với các điều dưỡng, người trực tiếp chăm sóc và thực hiện các chỉ định của bác sĩ điều trị.
điều dưỡng tại bệnh viện FV
Điều dưỡng tại bệnh viện FV
Tâm huyết và chuyên nghiệp
Chị Nguyệt Anh, Khoa Nội, hơn 15 năm trong nghề chia sẻ: “Khi mới học nghề điều dưỡng, không ai có thể đoán chắc mình thích hay không thích nghề này. Chỉ đến khi đôi tay mình chạm vào bệnh nhân, lắng nghe họ tâm sự; có khi đau quá, họ “giận” bệnh tật mà giận lây sang mình, nặng lời với mình… mà mình vẫn thông cảm, vẫn muốn chăm sóc cho họ mau lành bệnh, lúc đó mới nhận ra mình đã gắn chặt với cái nghề này từ lúc nào không biết”.

Chị Trần Thị Thanh Trang, 20 năm trong nghề nữ hộ sinh tâm sự: “Khác với các khoa điều trị khác, Khoa Sản là nơi chào đón tin vui đối với mỗi gia đình khi một thành viên bé nhỏ của họ chào đời. Chúng tôi không phải chăm sóc một người bệnh mà là chăm sóc một người khỏe mạnh. Song nhiều khi có những vấn đề ngoài ý muốn xảy ra, có sản phụ thui thủi một mình nằm chờ con nhỏ còn đang phải theo dõi trong phòng Săn sóc nhi đặc biệt, trong khi cũng có người được gia đình đến đón với nhiều quà, hoa. Bản thân là một người có kinh nghiệm, tôi hiểu, nếu mọi việc suôn sẻ, niềm vui được nhân đôi nhưng ngược lại, nỗi buồn cùng nặng nề gấp đôi”.

Hiện tại, Bệnh viện FV có hơn 200 điều dưỡng viên với giàu kinh nghiệm. Hàng năm, họ được tham gia các kỳ huấn luyện chuyên môn, trau dồi kỹ năng. Nhờ đó, các điều dưỡng luôn có tinh thần tập thể cao, tận tụy, nhiệt thành và hết lòng với bệnh nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét